Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát các dự án “đắp chiếu” đã nhiều năm với kỳ vọng khơi thông khối tài sản khoảng 59.000 tỷ đồng, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, triển khai như thế nào là vấn đề đáng bàn…
Hồi sinh khối tài sản 59.000 tỷ đồng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Theo đó, Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để giúp việc cho Ban Chỉ đạo, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế.
Liên quan đến Quyết định trên, sáng 26/10, phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về kinh tế – xã hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ rà soát các dự án ách tắc, trên cơ sở đó phân loại xem đâu là lỗi của nhà đầu tư, đâu là lỗi của Nhà nước để tìm ra cách xử lý.
“Nếu làm được, sẽ khơi thông cho nền kinh tế. Hiện chúng tôi mới rà soát được 160 dự án với 59.000 tỷ đồng, thực tế chắc chắn còn nhiều hơn rất nhiều. Lần này, chúng ta sẽ tổng rà soát cả nước xem mỗi địa phương còn ách tắc bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền, đâu là những nhóm nguyên nhân chính để tìm ra giải pháp” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án “đắp chiếu” không chỉ hỗ trợ DN, mà còn giải phóng nguồn vốn lớn, giúp tăng thu ngân sách, đóng góp cho tăng trưởng GDP.
“Chính phủ đang quyết tâm, song cũng xác định đây là vấn đề khó. Nguyên nhân là nhiều dự án đắp chiếu quá lâu, nhiều trường hợp sai phạm phức tạp kéo dài, phạm vi rộng” – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.